Lượt xem: 2832

Thực trạng và giải pháp phát triển ngành nghề nông thôn tại Sóc Trăng

Sóc Trăng là tỉnh có đồng bào nhiều dân tộc cùng chung sống, trong đó nhiều nhất là ba dân tộc Kinh - Khmer –Hoa, ngành nghề nông thôn tại Sóc Trăng vì thế không chỉ góp phần tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho bà con khu vực nông thôn mà còn có ý nghĩa quan trọng trong việc gìn giữ bản sắc văn hóa, đặc trưng riêng của mỗi dân tộc. Ngành nghề nông thôn tại Sóc Trăng mặc dù rất đa dạng, nhưng để có giải pháp duy trì và phát triển bền vững hơn trong giai đoạn hội nhập, cần phải có sự kết hợp rất nhiều yếu tố.

 


Nghề đan đát ở ấp Phước Quới, xã Phú Tân, huyện Châu Thành.

 

    Ngành nghề nông thôn, làng nghề có bản sắc riêng về kinh tế, văn hóa nông thôn từ lâu đời. Ngành nghề, làng nghề không chỉ là một khu vực sản xuất có những đóng góp quan trọng trong việc tạo ra thu nhập, việc làm cho người dân nông thôn mà còn chứa đựng trong đó những giá trị, nét đẹp văn hóa truyền thống mang đậm bản sắc dân tộc. Việc bảo tồn và phát triển ngành nghề, làng nghề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với công cuộc xây dựng nông thôn mới, sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế - xã hội ở nông thôn theo định hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Vì vậy, trong nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách về khuyến khích phát triển và bảo tồn ngành nghề, làng nghề. Chính phủ đã ban hành Nghị định số 52/NĐ/2018/NĐ-CP ngày 12/4/2018 về phát triển ngành nghề nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Quyết định số 2636/QĐ-BNN-CB ngày 31/10/2011 phê duyệt Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề đến năm 2020.

    Ở Sóc Trăng, ngành nghề nông thôn phát triển rất phong phú, đa dạng với 27 ngành nghề được phân bố rải rác ở khắp các huyện, thị xã, thành phố. Trong đó, số cơ sở tham gia sản xuất trong lĩnh vực nghề truyền thống và ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh là 14.153 cơ sở, thu hút 36.987 lao động tham gia sản xuất; trong đó, số lao động tham gia thường xuyên là 25.769 lao động.

    Xã Phú Tân, huyện Châu Thành là địa bàn có 80% dân số là đồng bào Khmer. Trong đó, ấp Phước Quới là địa phương có tỉ lệ đồng bào Khmer cao nhất, nhì xã. Từ bao đời nay, ngành nghề đan đát các vật dụng làm từ tre nứa được xem là công việc chủ yếu của rất nhiều lao động nông thôn nơi đây. Những đứa trẻ nhỏ tập tành đan đát một số vật dụng đơn giản dùng trong gia đình, người lớn hơn thì đan đát các vật dụng công phu hơn như bàn ghế, túi xách để cung cấp sản phẩm cho các điểm tham quan, du lịch tại tỉnh và một số tỉnh lân cận.

    Trong số rất nhiều gia đình làm nghề đan đát ở ấp Phước Quới, gia đình ông Lâm Liếp là hộ gia đình theo nghề lâu nhất khi được lưu truyền đến 4 thế hệ. Từ những vật dụng quen thuộc, gia đình ông Lâm Liếp còn sáng tạo ra nhiều sản phẩm mới lạ. Có thời điểm, một số cơ quan, doanh nghiệp đặt hàng với số lượng lớn khiến gia đình phải huy động thêm lao động lân cận trong khu vực. Nhờ nguồn thu ổn định, kinh tế gia đình nhờ vậy từng bước được cải thiện hơn. Ông Lâm Liếp chia sẻ: “Từ lúc tôi 9 tuổi là đã được ba mẹ tập cho đan đát rồi, giờ khách đặt gì cũng làm được, miễn là họ đưa hình cho mình xem qua. Mình làm tỉ mỉ, chất lượng chứ không chạy theo số lượng. Khách hàng họ biết nên dù giá có cao hơn so với nơi khác họ vẫn đặt hàng chỗ mình”.

    Trong xu thế phát triển như hiện nay, mặc dù sản phẩm công nghiệp đan có phần chiếm lĩnh hơn trên thị trường, dù vậy, một số sản phẩm thủ công, truyền thống vẫn được đón nhận, đặc biệt là nhu cầu trưng bày tại các điểm du lịch. Điều này cho thấy, ngành nghề nông thôn cơ bản vẫn còn giữ được chỗ đứng nhất định trong xu hướng hiện đại. Tuy nhiên, khó khăn đặt ra là số lượng lao động tham gia sản xuất lại có sự sụt giảm đáng kể, nhiều thanh niên tại nông thôn chọn làm việc tại các công ty, xí nghiệp thay vì tiếp nối ngành nghề truyền thống tại địa phương. Thực trạng của nghề vẽ tranh trên kính ở xã Phú Tân, huyện Châu Thành là một ví dụ điển hình. Bà Triệu Thị Vui - người có hơn 10 năm gắn bó với nghề vẽ tranh trên kính bộc bạch: “Những năm trước, nghề vẽ tranh trên kính này hầu như gia đình nào trong ấp Phước Thuận, xã Phú Tân cũng đều có làm. Nhưng giờ người thì lớn tuổi, người thì đi làm ở các công ty trên thành phố nên số gia đình còn gắn bó với nghề rất ít. Cũng cảm thấy rất tiếc vì có thể nói đây là một trong những nghề riêng biệt của bà con Khmer tại Sóc Trăng, đặc biệt là ở ấp Phước Thuận, xã Phú Tân. Cũng hy vọng chính quyền địa phương có thể tổ chức các lớp tập huấn, lớp dạy nghề để chúng tôi có cơ hội truyền dạy lại cho các bạn trẻ, các thanh niên tại huyện cũng như những huyện lân cận nếu có nhu cầu. Có như vậy nghề vẽ tranh trên kính mới có cơ hội được duy trì và phát triển”.

    Bên cạnh đó, thách thức đặt ra đối với việc phát triển ngành nghề nông thôn tại tỉnh Sóc Trăng là các cơ sở ngành nghề có quy mô sản xuất nhỏ, phân tán, theo thời vụ, chủ yếu là kinh tế hộ; thu nhập từ nghề chưa cao, thiếu vốn sản xuất, công nghệ sản xuất thô sơ, lạc hậu, chủ yếu sản xuất theo thủ công, chi phí sản xuất cao, năng lực tổ chức quản lý của các cơ sở sản xuất kinh doanh còn nhiều bất cập... Nhiều sản phẩm hàng hóa của các cơ sở ngành nghề chưa có nhãn hiệu - thương hiệu và chất lượng sản phẩm chưa cao, chủ yếu chỉ tiêu thụ tại địa phương và trong tỉnh. Đối với một số ngành nghề còn khó khăn về nguồn nguyên liệu và còn phụ thuộc nhiều vào thời tiết như nghề trồng nấm rơm, trồng hành tím; phần lớn hộ còn sản xuất theo kinh nghiệm, truyền thống nên ít hiệu quả và chất lượng sản phẩm chưa cao. Trình bày về giải pháp phát triển ngành nghề địa phương trong thời gian tới, đồng chí Võ Minh Luân – Trưởng Phòng Nông  nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành cho biết thêm: “Đối với huyện Châu Thành được xem là địa phương có số lượng ngành nghề, làng nghề nông thôn nhiều nhất tỉnh. Để ngành nghề không bị mai một theo thời gian, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cũng đã xây dựng kế hoạch kết nối cung - cầu, tạo điều kiện để các cơ sở ứng dụng công nghệ tiến bộ vào sản xuất để cải thiện mẫu mã sản phẩm, từng bước phát triển thêm sản phẩm OCOP từ các ngành nghề, làng nghề nông thôn này. Cũng rất mong ngành chức năng có liên quan sẽ có chính sách hỗ trợ vốn để bà con có thể đầu tư thêm cho dây chuyền sản xuất, đâu tư thêm vùng nguyên liệu tại chỗ để một số ngành nghề đặc thù có thể sử dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ nhằm giảm chi phí đầu vào, tăng lợi nhuận đầu ra”.

    Xác định ngành nghề nông thôn là một bộ phận quan trọng trong cơ cấu kinh tế ở khu vực nông thôn, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống người dân ở khu vực nông thôn, trong các năm qua, hoạt động ngành nghề nông thôn luôn được chú trọng phát triển. Cụ thể UBND tỉnh Sóc Trăng đã triển khai Đề án 02 về việc “Bảo tồn, Phát triển nghề, làng nghề truyền thống vùng đồng bào dân tộc trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2016-2020” với mục đích bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề truyền thống vùng đồng bào dân tộc, phản ánh nét văn hóa độc đáo của từng địa phương, tùng vùng, nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm từ nghề truyền thống và làng nghề truyền thống; đồng thời, phát triển một số nghề mới trên địa bàn tỉnh.


Nghề vẽ tranh trên kính ở ấp Phước Thuận, xã Phú Tân, huyện Châu Thành.

 

    Kết thúc giai đoạn 2016-2020, nhằm tiếp tục thực hiện Nghị định số 52/2018/NĐ-CP ngày 12/4/2018 của Chính phủ về Phát triển ngành nghề nông thôn; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã tham mưu xây dựng dự thảo Đề án Phát triển ngành nghề nông thôn giai đoạn 2021-2030. Dự kiến đến năm 2030 đạt 500 triệu đồng/năm, tỷ lệ lao động qua đào tạo thuộc ngành nghề nông thôn trên 90%; phát triển mới 15 nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống; phát triển thêm 10-12 làng nghề, làng nghề truyền thống có sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên, trong đó có ít nhất 3-5 làng nghề, làng nghề truyền thống có sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP đạt 4 sao; phát triển thêm 3-5 làng du lịch, cụm du lịch gắn với các làng nghề, làng nghề truyền thống.

    Đồng chí Nguyễn Thị Mộng Tuyền - Phó trưởng Phòng Phát triển nông thôn - Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng thông tin thêm: “Để khắc phục những hạn chế tồn tại, trong thời gian tới, Chi cục Phát triển nông thôn sẽ phối hợp cùng các cơ quan chức năng, các địa phương trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phát triển hoạt động du lịch nông nghiệp, nông thôn trong các trang trại, hợp tác xã nông nghiệp. Tham mưu xây dựng các chương trình tập huấn nghề nông thôn gắn với các chương trình, đề án phát triển nông thôn của tỉnh. Đưa Chương trình OCOP song hành với kế hoạch phát triển ngành nghề nông thôn, xây dựng các chương trình kết nối cung - cầu các sản phẩm của nghề nông thôn, làng nghề, làng nghề truyền thống theo kế hoạch phát triển OCOP hàng năm. Chúng tôi cũng sẽ xây dựng cách chính sách hỗ trợ phù hợp để các ngành nghề, làng nghề có cơ hội đầu tư thêm trang thiết bị phục vụ sản xuất. Đồng thời,liên kết chặt chẽ các đơn vị du lịch để hình thành các điểm tham quan ngành nghề, làng nghề nông thôn tại tỉnh Sóc Trăng”.

    Trong đời sống hiện nay, xu hướng “ly nông bất ly hương” là vấn đề được các địa phương rất chú trọng nhằm hạn chế tình trạng di dân, giúp người dân tỉnh nhà “an cư lạc nghiệp” trên chính quê hương mình. Chính vì thế, việc duy trì và phát triển bền vững hơn ngành nghề nông thôn tại tỉnh là một trong những giải pháp quan trọng để tạo sinh kế ổn định cho lực lượng lao động tại địa phương. Điều này cũng có ý nghĩa quan trọng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại tỉnh nhà thông qua việc phát triển sản phẩm OCOP từ các ngành nghề, làng nghề;  hình thành các điểm tham quan ngành nghề, làng nghề khi được kết hợp từ các tour, tuyến du lịch.

Ngọc Thơ



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 37
  • Hôm nay: 8314
  • Trong tuần: 79,021
  • Tất cả: 11,802,341